Chỉ vài năm về trước, cụm từ “KOL là gì” dường như không mấy phổ biến đối với công chúng. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, KOL nổi lên như một hiện tượng, là xu hướng trong việc tiếp cận khách hàng của các doanh nghiệp thông qua nền tảng mạng xã hội.
Vì thế, mức độ nhận diện của các KOL cũng được tăng lên đáng kể, từ đó mà mức thập cũng được định giá theo sức nóng của từng KOL. Vậy KOL làm công việc gì? Vai trò của KOL đối với doanh nghiệp? Cách để trở thành KOL chuyên nghiệp ? Tất cả những thắc mắc trên sẽ được giải đáp dưới bài viết sau đây!
Có thể hiểu KOL là gì?
KOL là thuật ngữ dùng để chỉ những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trong một cộng đồng/lĩnh vực mà họ đang hoạt động. Trong tiếng anh, KOL có nghĩa là Key Opinion Leader – người dẫn đầu dư luận, được công chúng quan tâm.
Họ có thể là một chuyên gia, người nổi tiếng (ca sỹ, diễn viên, MC,…), hoặc một người tiên phong cho xu hướng, lối sống được nhiều người quan tâm ( Tiktoker, Youtuber, Blogger,..)

Từ KOL có nguồn gốc từ khi nào?
Paul Lazarsfeld – tác giả của học thuyết Two-step flow of communication (1944), người đầu tiên đưa ra thuật ngữ KOL đã cho rằng “đây là nhân tố chủ quan trọng, ảnh hưởng đến quan điểm của người tiêu dùng, chứ không phải là các phương tiện truyền thông đại chúng ở thời điểm hiện tại”.
Thuật ngữ KOL lần đầu tiên được sử dụng trong lĩnh vực y học, sau này dần trở nên phổ biến dưới góc nhìn của Marketing. Trong đó, KOL đóng vai trò như một bên trung gian thứ 3 nhằm tác động đến nhận thức, hành vi tiêu dùng của khách hàng. Bởi họ là một chuyên gia trong một lĩnh vực, người có sức ảnh hưởng, có thể tạo ra xu hướng hoặc dẫn đầu dư luận với lượng người theo dõi lớn trên các nền tảng mạng xã hội.
Vì thế, KOL sẽ đưa sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp tiếp cận đúng với tệp khách hàng mục tiêu thông qua các hoạt động PR( viết bài review, quay video,..)
Những năm gần đây, KOL thường được biết đến với vai trò: KOL affiliate thông qua các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Tiktok,..) liên kết với các trang thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki để bán hàng. Vì thế, mà KOL cũng được biết đến rộng rãi hơn trong thời điểm lúc bấy giờ. Một số KOL của các sàn thương mại điện tử phổ biến nhất hiện nay có thể kể đến là KOL Lazada, KOL Shopee,…
Những từ liên quan tới KOL
KOL hay bị nhầm lẫn bởi các thuật ngữ như: Celebrity, Influencer, Mass Seeder hay KOC. Bởi xét về tính chất công việc, những giá trị mà nhóm người có sức ảnh hưởng mang đến đều được truyền thông và công chúng quan tâm.
Tuy nhiên, mỗi thuật ngữ đều có sự khác nhau, dùng để phân loại về danh tiếng, công việc chính và mức độ ảnh hưởng đến các hoạt động Marketing.
Mass Seeder
Mass Seeder là những đối tượng có sức ảnh hưởng trong một phạm vi nhỏ. Vì thế mà lượng người theo dõi và mức độ tương tác cũng có phần ít hơn so với KOL, Influencer hay Celebrity. Công việc chính của Mass Seeder là chia sẻ các hoạt động quảng bá, sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp thông qua các bài mở đầu xu hướng của các KOL, Influencer.
Celebrity
Celebrity hay Celeb là danh xưng chung của các nhân vật nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng lớn, thông thường sẽ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, hoặc cũng có thể là một vận động viên nổi tiếng, doanh nhân thành đạt sở hữu lượng khán giả yêu thích và hâm mộ lớn.
Ví dụ: Trấn thành là một Celeb, người nổi tiếng có độ phủ sóng và sức ảnh hưởng nhất định trong lĩnh vực nghệ thuật.
Influencer
Influencer thường được gắn liền với các nền tảng mạng xã hội với lượng người theo dõi cao. Họ có thể hoạt động ở bất cứ một lĩnh vực nào, nhưng có đặc trưng chung là những người truyền cảm hứng, được khán giả quan tâm và tương tác cao.
Influencer được chia thành 4 cấp độ, bao gồm: Mega- Influencer, Marcro -Influencer ,Micro- Influencer, Nano-Influencer.

KOC
KOC (Key Opinion Consumer) là thuật ngữ dùng để miêu tả những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trong cộng đồng. Công việc của họ là thử nghiệm sản phẩm/dịch vụ và đưa ra những đánh giá ( review) mang tính khách quan.
Thông thường, KOC sẽ là một khách hàng và dần được trở nên nổi tiếng hơn thông qua các bài post trên group review, mạng xã hội (tiktok) khi nhận được nhiều sự quan tâm của những người dùng khác.
Đối với doanh nghiệp, Kol mang lại những lợi ích gì?
Trong thời buổi công chúng bắt đầu rơi vào tình trạng “bội thực” bởi quảng cáo như hiện tại, khách hàng đã không còn đặt quá nhiều niềm tin vào việc nghe theo những lời “mời gọi” của các mẫu quảng cáo trên báo chí hay truyền hình.
Mà thay vào đó, chiến lược PR kết hợp cùng các KOL, người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng ra đời để chi phối đến hành vi tiêu dùng của khách hàng.
Tăng độ nhận diện thương hiệu
Đối với các thương hiệu mới, còn xa lạ với công chúng, việc tiếp cận khách hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội với người phát ngôn/đại diện là KOL sẽ giúp doanh nghiệp quảng bá được thương hiệu/sản phẩm với chi phí thấp hơn so với các phương thức quảng cáo truyền thống.
Sự thành công của Thương hiệu mỹ phẩm thuần chay Cocoon là một trong những minh chứng rõ nét trong việc kết hợp với KOL trên nền tảng Youtuber ở thời điểm 2018-2019. Cocoon ra mắt vào năm 2014, sau bị 4 năm “ngụp lặn” với vị thế là mỹ phẩm Việt nội địa, chẳng ai mảy may quan tâm đến.
Tuy nhiên, với các chiến dịch kết hợp với hàng loạt các KOL ở thời điểm hiện tại được thực hiện trên Youtuber và cả các hội nhóm về làm đẹp, đã mang tên tuổi của Cocoon đến gần hơn với công chúng.

Tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu
KOL thường là những người có chuyên môn, có sự uy tín trong một lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, Changmakeup hay Quách Ánh là một trong những beauty blogger nhận được nhiều sự chú ý của công chúng. Vì thế mà lượng người theo dõi của các beauty blogger có cùng chung một sự quan tâm đến làm đẹp, mỹ phẩm.
Sản phẩm được sử dụng bởi 1 chuyên gia trang điểm/beauty blogger sẽ đáng tin cậy hơn so với những lời “quảng cáo có cánh” từ phía doanh nghiệp. Vì thế mà sự kết hợp giữa doanh nghiệp với KOL trong việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm sẽ tiếp cận đúng với khách hàng mục tiêu, tăng tỷ lệ mua hàng thông qua các nền tảng mạng xã hội.

Tăng độ uy tín cho sản phẩm
Với 1 sản phẩm/ dịch vụ được review dưới cái nhìn, cảm nhận của KOL – một người có chuyên môn hoặc nhiều trải nghiệm trong lĩnh vực cụ thể sẽ mang đến độ uy tín, tin tưởng cho người dùng khi tham khảo.
Đào Bá Lộc đã từng tạo nên cơn sốt khi review màu son Give Me Mocha của Wet N Wild vào năm 2018, sau đó sản phẩm đã liên tục cháy hàng trên cả các kênh On trade và Off trade.
Từ một màu son được xem là khó dùng, chất son khô, sau 1 video đạt triệu view, Give Me Mocha được xem là màu son quốc dân, được nhà nhà người người sử dụng. Uy tín của sản phẩm cũng từ đó mà tăng lên tại thị trường mỹ phẩm Việt Nam.

Duy trì sự trung thành của khách hàng
Theo nhiều nghiên cứu “Chi phí giữ chân khách hàng cũ chỉ từ 1/7 tới 1/6 so với chi phí để có được một khách hàng mới”, vì thế mà việc duy trì sự trung thành của khách hàng sẽ bảo vệ được thị phần, cũng như hạn chế được sự “lão hóa” trong giai đoạn bão hòa và suy thoái của sản phẩm.
Tăng doanh số
Các hoạt động Marketing Affiliate kết hợp cùng các KOL đã và đang là một trong những xu hướng bán hàng hiệu quả trong những năm gần đây với sự phát triển mạnh mẽ của Tiktok. Bên cạnh đó, các KOL cũng trở thành gương mặt đại diện của thương hiệu trong các buổi livestream, đem đến doanh thu khủng cho doanh nghiệp.
Cải thiện thứ hạng từ khóa trong SEO
Các bài viết, video nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng trong việc quảng bá sản phẩm đến từ KOL sẽ được nhiều người tìm kiếm trên google. Qua đó, từ khóa về sản phẩm/dịch vụ sẽ được google đề cử về độ hot trend.
Bên cạnh đó, phương thức Marketing Affiliate đến từ link mua hàng của các KOL cũng khiến lượng người dùng (traffic) đổ về website của doanh nghiệp tăng, vì thế mà cải thiện được thứ hạng từ khóa trong SEO.
Các nguyên tắc lựa chọn KOL sao cho hiệu quả
- Lựa chọn KOL phù hợp với mục tiêu Marketing: Trong mỗi chiến dịch Marketing, mục tiêu của mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Có doanh nghiệp muốn tăng độ nhận diện thương hiệu, vì thế mà KOL họ hướng đến là những người nổi tiếng có độ phủ sóng cao. Nhưng cũng có doanh nghiệp muốn đẩy mạnh doanh số, thì việc KOL không chỉ phải đảm bảo về độ phủ sóng, mà còn phải phù hợp đến nhiều yếu tố liên quan như: sản phẩm, khách hàng và hướng tiếp cận. KOL có phù hợp với nhóm sản phẩm, khách hàng ấy hay không. Doanh nghiệp không thể lựa chọn một KOL da màu để quảng cáo hay PR cho một sản phẩm làm trắng da. Doanh nghiệp cũng nên cân nhắc về hướng tiếp cận (màu sắc) của mỗi KOL truyền tải thông tin đến với khách hàng như thế nào, nó có phù hợp với chiến dịch lần này hay không.
- Lựa chọn KOL có khả năng ảnh hưởng đến hành vi người tiêu dùng: Để ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi tiêu dùng của khách hàng, KOL cần có sự uy tín. KOL có thể là một chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể, có cái nhìn công tâm, để khách hàng “chọn mặt gửi vàng”.
Cần gì để làm KOL chuyên nghiệp?
Biết được thế mạnh của bản thân
Cách làm KOL chuyên nghiệp hiệu quả nhất là việc bạn hiểu rõ được thế mạnh của bản thân, đây là bước đầu trong việc định hình “màu sắc” và lối đi riêng của mỗi cá nhân. Bạn có gì nổi bật, người khác nhớ đến bạn vì điều gì?
Bạn đem đến những giá trị gì? Trả lời được những câu hỏi trên, bạn đã phần nào xây dựng được thương hiệu cá nhân – điều sẽ đi liền với tên tuổi của mình về sau.
Xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu
Nội dung bạn muốn truyền tải hướng đến đối tượng nào? Người theo dõi của bạn là ai? Xác định đúng khách hàng mục tiêu, bạn sẽ có được những chiến lược lâu dài trong việc phát triển thương hiệu cá nhân khi biết được theo dõi của mình quan tâm đến những điều gì, hành vi mua hàng của họ ra sao.
Có khả năng đầu tư, xây dựng những content hiệu quả
Những content nhạt nhẽo sẽ bị “đào thải” theo quy luật tự nhiên. Vì thế, content được đầu tư chỉnh chu về mặt hình ảnh, nội dung và những giá trị đem lại thật sự bổ ích sẽ được công chúng đón nhận.
Biết tiếp thu những ý kiến, đóng góp tích cực
Biết chọn lọc và tiếp thu những ý kiến tích cực để xây dựng hình ảnh thương hiệu phù hợp với thị hiếu của số đông sẽ khiến KOL trở nên tích cực hơn trong mắt công chúng.
Chấp nhận những ý kiến, bình luận trái chiều để làm động lực
“Thị Phi” là những điều không thể tránh khỏi khi bạn trở thành một người người có sức ảnh hưởng. Tuy nhiên, hãy học cách chấp nhận với hiện thực, lấy đó làm động lực để phát triển và trở thành một phiên bản tốt hơn.
Sáng tạo không ngừng nghỉ, luôn làm mới nội dung của mình
Không chỉ đầu tư về chất lượng về hình thức và nội dung, mà những KOL nên làm mới bản thân với các chủ đề có liên quan, phù hợp với thị hiếu người xem. Ví dụ, những năm về trước, Youtube với thời lượng từ 15-30 phút được nhiều người quan tâm.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Tiktok với nội dung ngắn từ 30 giây đến 1 phút đang trở thành xu hướng. Việc thay đổi hướng tiếp sẽ giúp KOL tiếp cận được nhiều người theo dõi hơn.
Không ngừng học hỏi, nâng cao chuyên môn bản thân
Không ngừng học hỏi và nâng cao trình độ chuyên môn là điều tất yếu để các KOL có thể “tồn tại” mà không bị “đào thải” bởi số lượng các KOL ngày càng tăng và những giá trị họ mang lại cao hơn bạn. Tham gia các khóa học KOL tập sự của các sàn thương mại điện tử khi mới bắt đầu để hiểu rõ hơn về cách thức làm việc hiệu quả nhất.
Luôn tăng cường, mở rộng các mối quan hệ
Mở rộng mối quan hệ không chỉ gói gọn ở phạm vi các KOL cùng lĩnh vực hay KOL trên cùng một nền tảng. Mà mở rộng quan hệ ở đây còn nằm ở vấn đề bạn chủ động liên hệ với doanh nghiệp để thực hiện các chiến dịch quảng cáo thay vì bị động và trông chờ vào việc Booking. Sự thân thiện, cầu tiến sẽ khiến bạn trở nên khác biệt giữa hàng ngàn các KOL khác.
Một số Kol nổi tiếng tại Việt Nam
Trong lĩnh vực mỹ phẩm – làm đẹp
Luna Đào
Luna Đào hay Đào Bá Lộc là 1 ca sỹ, youtuber với 474.000 lượt theo dõi trên Youtube. Là một trong những beauty blogger được giới trẻ yêu thích với cách nói chuyện duyên dáng và nội dung thú vị.

Call me Duy
Call Me Duy là một beauty Blogger với hơn 500.000 lượt theo dõi trên Youtuber. Là KOL đi theo phương pháp chăm sóc da khoa học, được nhiều tín đồ làm đẹp quan tâm.

Võ Hà Linh
“Chiến thần review” Võ Hà Linh là cái tên mà cộng đồng mạng hay réo tên review khi có một sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường. Cô sở hữu kênh Youtube với 1,69 triệu người theo dõi và kênh Tiktok có 2,7 triệu người theo dõi.

Trong lĩnh vực Fitness
Hana Giang Anh
Hana Giang Anh là một trong những KOL tiên phong và giành nhiều thành công trong lĩnh vực Fitness tại Youtube Việt Nam với khoảng với 1,45 triệu người đăng ký.

Trang Lê
Trang Lê sở hữu kênh Youtube với 327.000 người đăng ký. Là một huấn luyện viên thể hình truyền cảm hứng về lối sống lành mạnh với Gym và Yoga.

Trong lĩnh vực thời trang
Châu Bùi
Châu Bùi là một trong những người mẫu, Fashionista sở hữu 2,2 triệu lượt theo dõi trên Facebook. 3,3 triệu lượt theo dõi trên Instagram và 1,6 triệu theo dõi trên Tiktok. Cô là một trong những gương mặt đại diện cho nhiều nhãn hàng tại Việt Nam.

Quỳnh Anh Shyn
Quỳnh Anh Shin là một diễn viên, người mẫu, với 1,3 triệu người theo dõi trên Facebook, 2,7 triệu người theo dõi trên Instagram và 950.000 người theo dõi trên Tiktok. Cô được biết đến là Fashionista có gu ăn mặc độc đáo và thời thượng, được nhiều tín đồ thời trang yêu thích.

Cô Em Trendy ( Khánh Linh)
Cô Em Trendy Khánh Linh là một người mẫu, Fashionista với 348.000 người theo dõi trên Facebook, 724.000 người theo dõi trên Instagram và 448.000 người theo dõi trên Tiktok.

Khái niệm KOL là gì không còn chỉ là người có sức ảnh hưởng, mà đó còn là nghề nghiệp, là “mảnh đất màu mỡ” để các nhà sáng tạo nội dung thể hiện cá tính, màu sắc riêng của mình. Hãy bắt đầu trở thành KOL thông qua các nền tảng có lượt tiếp cận cao như Tiktok và Youtube.